Blog

Kinh Nghiệm

Trẻ dưới 1 tuổi: Nói “không” với…

Khi được gần 6 tháng thì bé Bích Anh bắt đầu có dấu hiệu biếng ăn. Để thay đổi khẩu vị cho con, mẹ bé đã lấy nước củ dền để pha sữa cho bé uống. Các chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng, đây là một quan niệm sai lầm phổ biến trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm cho trẻ.

Dùng nước hoa quả, rau củ để pha sữa

Vấn đề: Trong tất cả các loại rau củ đều có thành phần nitrat. Nitrat khi đi vào cơ thể sẽ kết hợp với hồng cầu, làm cản trở sự vận chuyển ô-xy trong cơ thể của bé. Khi uống hỗn hợp sữa và nước hoa quả vào, mô và não của bé sẽ bị thiếu ô-xy. Về lâu dài, bé có thể sẽ mắc phải bệnh Methemoglobin, một căn bệnh dễ gây tử vong do khó thở, toàn thân tím tái. Trong y học, đây được xem là hiện tượng “chết đuối trên cạn”.

Nguyên nhân: Rất nhiều bà mẹ đã sử dụng hỗn hợp này cho bé vì quan niệm nước củ dền màu đỏ nên bổ máu, nhất là có thêm chất sắt. Bên cạnh đó, sữa lại là thức uống bổ dưỡng cho trẻ nên nếu kết hợp cả hai lại với nhau thì mức độ “bổ dưỡng” sẽ tăng cao hơn. Quan niệm sai lầm này đã khiến không ít bé phải rơi vào tình trạng nguy kịch.

Xử trí: Để tránh tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra cho bé yêu, các chuyên gia khuyên rằng, nếu bạn đang cho bé sử dụng hỗn hợp này thì cần chấm dứt ngay. Ngoài ra, cần đưa bé đến khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất khi thấy bé có các dấu hiệu như tím tái, khó thở…

Sữa tươi

Vấn đề: Phần lớn các loại sữa tươi có mặt trên thị trường Việt Nam hiện tại đều chỉ qua quá trình thanh trùng trong chế biến. Trong khi đó, đường ruột của trẻ dưới 1 tuổi thường rất nhạy cảm. Nếu không cẩn thận, bé rất dễ bị tiêu chảy, các bệnh về tiêu hóa, đường ruột…

Nguyên nhân: Do một số trẻ không thích uống sữa bột, để thay thế và cũng là để thuận tiện, các bà mẹ đã chọn sữa tươi dạng hộp có ống hút cho trẻ sử dụng.

Xử trí: Không cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng sữa tươi. Đặc biệt, không cho trẻ uống kèm sữa này khi đang ăn.

Các loại nước ngọt, nước hoa quả công nghiệp

Vấn đề: Phần lớn các loại nước này chứa 90% lượng đường không có lợi cho trẻ. Bên cạnh đó, còn có một số chất tạo mùi hương công nghiệp. Việc sử dụng những thức uống này thường chỉ tạo cho bé cảm giác no giả nhưng vẫn thiếu chất dinh dưỡng hay bụng bé đói mà không biết. Về lâu dài, bé rất dễ bị suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân: Một số trẻ có sở thích uống các loại nước ngọt, nước hoa quả công nghiệp trong bữa ăn. Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ không hề biết rằng những thức uống trên chỉ cho bé cảm giác no giả chứ không có bất kỳ thành phần dinh dưỡng nào.

Xử trí: Không cho trẻ uống. Thay thế bằng các loại nước ép hoa quả làm tại nhà.

Thực phẩm gây dị ứng cho trẻ

Vấn đề: Những trẻ ăn phải thức ăn dị ứng với cơ thể về lâu dài rất dễ gây sốc phản vệ. Với trẻ dưới 1 tuổi, nếu gặp tình huống này thì khả năng tử vong rất cao.

Nguyên nhân: Bắt nguồn từ cơ địa của trẻ, nhiều trẻ không thích hợp với một số thực phẩm có hàm lượng protein cao như sữa bò, phô mai, cá, tôm, trứng.

Xử trí: Hạn chế hoặc không dùng những loại thực phẩm này cho trẻ dưới 1 tuổi. Đặc biệt đối với những trẻ có gia đình hoặc tiền sử mắc các bệnh có nguy cơ cao như chàm, mề đay, suyễn, dị ứng… thì tốt nhất là không nên dùng. Nếu đã có sử dụng thì cần theo dõi sát và ngưng ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu như hắt hơi, nhảy mũi, nổi ban đỏ…

Ăn liên tục các loại hoa quả có màu vàng

Vấn đề: Bất cứ một thành phần dinh dưỡng nào cũng có hai mặt, tốt khi đủ và xấu khi thiếu hoặc thừa. Ăn nhiều củ, quả có màu vàng về lâu dài sẽ làm bé yêu của bạn dễ bị vàng da.

Nguyên nhân: Nhiều bà mẹ quan niệm rằng, cho trẻ ăn nhiều cà rốt, đu đủ sẽ giúp mắt trẻ sáng hơn.

Xử trí: Không cho ăn nhiều.

Hỗn hộp óc heo và trứng gà

Vấn đề: Sẽ dễ gây bệnh cho trẻ. Hai loại thực phẩm này khi nạp vào cơ thể sẽ làm cho lượng cholesterol trong máu của trẻ tăng lên rất cao.

Nguyên nhân: Cũng cùng suy nghĩ như việc kết hợp nước củ dền để pha sữa, các bà mẹ mong muốn con mình được ăn nhiều chất bổ dưỡng mà không biết rằng bổ quá hóa hại.

Xử trí: Ngưng cho trẻ dùng.

Lòng trắng trứng sống

Vấn đề: Nếu sử dụng lâu dài, trẻ sẽ bị thiếu khí biotin, dẫn đến tình trạng lở loét ở miệng.

Nguyên nhân: Cũng xuất phát từ suy nghĩ “tẩm bổ” cho trẻ.

Xử trí: Ngưng cho trẻ dùng.

(Với sự tư vấn của Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, và Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Kiều, Chủ tịch Hội Thực phẩm Dinh dưỡng TP. HCM)