Hai tiếng “xin lỗi” dường như cũng chẳng xa lạ gì với chúng ta. Giữa một đám đông, ta vô tình giẫm lên chân người đứng cạnh, “xin lỗi”. Khi ta trễ hẹn với bạn vì một sự cố nhỏ trên đường, cũng “xin lỗi”. Đó chính là văn hóa – văn hóa ứng xử.
Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, nói lời xin lỗi không dễ chút nào. Vì sao lại thế? Nào, các bạn hãy cùng Mẹ Yêu Bé đi tìm lời đáp cho câu hỏi này nhé.
Anh Tú (3 tuổi) vô tình làm đau chị gái của mình. Mẹ Anh Tú nghiêm khắc: “Tú, con hãy xin lỗi chị con ngay!” Tú vẫn đứng đó, không chút cảm xúc, cũng không nói lời nào khiến mẹ bé rất tức giận. Mẹ bắt Tú trở về phòng và ở yên trong đó để suy nghĩ về lỗi của mình. Cứ thế, cu cậu quay lên lầu, đi thẳng vào phòng và đóng cửa lại. Một lát sau, cu cậu trở ra, tay cầm bức tranh, ngập ngừng tiến đến trao cho chị rồi vòng tay khẽ ôm hôn lên má chị. Cả mẹ và chị của Tú đều hiểu là cu cậu đã biết lỗi, chỉ có điều hai tiếng “xin lỗi” thật khó nói ra đối với cậu nhóc 3 tuổi này.
Theo tiến sĩ tâm lý Susan Heitler, bất cứ đứa trẻ nào cũng muốn hướng thiện và khi có sai lầm xảy ra, chúng thường cố gắng giải quyết một cách tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, thể hiện ra mặt rằng mình có lỗi là chuyện không dễ chút nào.
Từ khoảng 3 đến 4 tuổi, các bé đã hiểu làm thế nào để gìn giữ những mối quan hệ của mình. Chuyên gia về phát triển tâm lý trẻ em Laurie Braga cho biết: “Khi trẻ phạm sai lầm, việc của người lớn là phải cho chúng biết chúng đã phạm lỗi. Trẻ cần hiểu được điều này và nhận lỗi về mình. Đây là một yêu cầu rất cần thiết đối với trẻ nhỏ, để chúng hiểu được những việc mình làm và có trách nhiệm hơn trong cuộc sống.”
Sự đồng cảm, nền tảng để từ đó phát ra lời xin lỗi, là một kỹ năng xã hội phức tạp cần phải được rèn luyện dài lâu. Một số bé dù chưa đến 5-6 tuổi đã có thể hình dung được cảm nhận của người khác. Tuy nhiên, mãi đến năm 7-8 tuổi, hầu hết các bé mới biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và nhận thức những tác động từ việc mình làm.
Nhưng cũng còn nhiều lí do khiến bé chần chừ chưa chịu xin lỗi. Trong suy nghĩ của bé, nói “Con xin lỗi!” nghĩa là thừa nhận mình đã làm việc xấu, mà chỉ có những đứa trẻ không ngoan mới làm thế. Chính vì vậy, khi đã lỡ phạm lỗi, chẳng hạn như vô tình làm đổ ly nước trên bàn, bé có thể sẽ có phản ứng chối tội, đổ thừa cho một người khác hoặc một nguyên nhân khác.
Cũng có khi chính tính tự kiêu đã ngăn bé lại, dù trong lòng cảm thấy hối hận nhưng tiếng xin lỗi lại không thể bật ra. Trường hợp của bé Anh Tú là một ví dụ. Dù không nói thẳng ra nhưng bé đã nhận thấy lỗi của mình nên về phòng vẽ tranh tặng chị và ôm hôn chị, một cách để giữ thể diện đó thôi.
Ngoài ra, theo như lời chị Braga thì nếu người lớn hay bố mẹ tỏ thái độ giận dữ, tình hình có thể còn tồi tệ hơn. Bạn càng tức giận, bé càng không muốn hợp tác.
Khi bé lỡ làm đau một ai hoặc vô tình làm vỡ một món gì đó, bé có thể cảm thấy hối lỗi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, phản ứng thường thấy là bé tỏ ra lúng túng và không biết phải làm gì. Dạy bé nói lời xin lỗi sẽ giúp bé học cách giải quyết vấn đề để những lần sau có thể tự mình xoay sở lấy.
Thế nhưng, cần phân biệt rõ lỗi của bé là do vô ý (như làm đổ ly sữa trên bàn) hay đã có chủ định từ trước (như đánh bạn chơi cùng). Nếu bé đã cố ý thì chỉ nói lời xin lỗi là không đủ. Chẳng hạn như trường hợp bé đánh em gái của mình, hai tiếng “xin lỗi” chưa đủ tính răn đe để bé không tái phạm lần sau. Việc bạn nên làm lúc này là đưa ra những nguyên tắc rõ ràng và buộc bé phải tuân theo.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần nhớ rằng, một khi đã nói “Con xin lỗi!” nghĩa là bé đã thật sự hối lỗi. Đừng la mắng bé, đừng làm bé cảm thấy mọi việc tồi tệ hơn. Và tất nhiên, mục đích cuối cùng của bạn là muốn bé nhận ra đâu là đúng, đâu là sai và có trách nhiệm với hành vi của mình.
Sau đây là một số lời khuyên để bạn tập cho bé hai tiếng “xin lỗi”:
- Làm gương cho bé: Bạn có thể thay mặt bé nói lời xin lỗi. Thông qua hành động này, bé có thể nhận ra đâu là cách cư xử đúng đắn. Ngoài ra, đừng quên xin lỗi bé khi chính bạn mắc phải một sai lầm nào đó. Ví dụ: “Mẹ xin lỗi con, mẹ mệt quá nên đã lớn tiếng với con”.
- Nhắc nhở bé về những quy tắc: Hãy nhắc cho bé nhớ về những quy tắc đã được đặt ra. Ví dụ: “chiếc xe này là của em con, con không được giành với em” hay “không được chạm vào bình hoa này”…
- Gợi ý về những cử chỉ yêu thương: Khái niệm nhận lỗi rất đỗi trừu tượng. Hãy cho bé biết rằng nhận lỗi không chỉ đơn thuần là nói ra bằng lời mà có thể thông qua rất nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như một nụ hôn hay một vòng tay siết chặt. Thật tuyệt vời và ý nghĩa khi thể hiện sự hối lỗi cùng với một cử chỉ yêu thương nào đó.
- Chỉ ra những hành vi tốt: Hãy nói với bé rằng thật là tốt khi bé biết nhận lỗi và mọi người thật sự đánh giá cao việc làm này của bé.
- Biến thành trò chơi: Khi chơi búp bê hay thú bông với bé, hãy tập cho bé làm quen với hai tiếng “xin lỗi”. Ví dụ: Gấu bông đang mải mê chạy theo ngắm đàn bướm trong sân. Ối, gấu bông vô tình va vào chị gà mái làm chị ngã lăn ra đất. “Em xin lỗi chị, em xin lỗi chị, em không cố ý ạ.”
Tuy nhiên, tập cho trẻ biết nói lời xin lỗi thật không dễ chút nào. Bạn cần xác định rằng mình không được nóng lòng vì đây là việc cần thật nhiều thời gian và cả sự nỗ lực. Dần dần trẻ sẽ hiểu được sống là phải biết quan tâm đến cảm xúc của người khác chứ không chỉ nhìn vào mỗi bản thân mình.