Bạn có thể làm gì khi đứa con chưa đến tuổi đi học của mình cứ ngồi dính trước màn hình ti-vi?
Ti-vi cũng gây nghiện
¾ thời gian trong ngày của Bờm là ngồi trước màn hình ti-vi. Năm nay cu cậu mới 3 tuổi nhưng đã nghiện các chương trình trên ti-vi đến mức ti-vi mà bật lên là trong nhà vắng tiếng cậu, bố mẹ có gọi cũng chẳng thấy Bờm phản ứng gì hết. Thế nhưng, hễ tắt ti-vi là nhóc ta lại táy máy không yên. Tệ hơn nữa là có lần Bờm còn “nổi trận lôi đình” khi người lớn tắt ti-vi đi trong lúc cu cậu đang mải mê xem. Có bao giờ bạn gặp phải tình huống này chưa? Nó quen thuộc với bạn chứ?
Nếu câu trả lời của bạn là “Có” thì vấn đề thật sự nghiêm trọng hơn bạn tưởng và lúc này đây, bạn cần bắt tay vào giải quyết ngay. Trước tiên, bạn cần nghĩ ra một vài cách để phân tán sự tập trung của trẻ đối với cái màn hình vô tri vô giác ấy, đồng thời hướng trẻ đến với những hoạt động vui chơi khác năng động hơn và có lợi cho sức khỏe hơn.
Ti-vi: 😀
Không có phương tiện thông tin đại chúng nào có sức ảnh hưởng lớn như ti-vi, vì nó mang lại cho chúng ta một cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Nói đến “Vui là chính”, nhiều người sẽ nhớ ngay đến một chương trình thư giãn thoải mái, đầy ắp tiếng cười trên ti-vi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thu được nhiều thứ từ ti-vi. Tuy nhiên, với vai trò làm bố, làm mẹ, bạn cần chắc chắn con mình đang xem một chương trình phù hợp với lứa tuổi của bé, và thông qua đó, bé sẽ có được những hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới mà chúng đang sống. Nói một cách cụ thể hơn, sau khi xem những chương trình truyền hình bổ ích, bé như được mở mang thêm vốn kiến thức của mình, từ thế giới động vật cho đến con người và các nền văn hóa khác nhau trên trái đất. Đối với trẻ, hiểu được những điều đang xảy ra bên ngoài gia đình và trường học cũng rất quan trọng, bước đầu có thể chỉ là cái nhìn khá mơ hồ về các mối quan hệ, những thay đổi nhỏ, những biến cố nhỏ. Nói thế nhưng bạn chớ xem thường, đây cũng là một kênh quan trọng để bé giao lưu với cuộc đời này, đặc biệt là ở những bước chập chững ban đầu.
Trẻ con vốn tò mò, chính vì thế mà nhiều ông bố, bà mẹ phải “vò đầu bứt tóc” khi đối diện với hàng loạt câu hỏi phát ra từ cái miệng bé xíu của đứa con yêu. Nhưng bạn ơi, hãy vui khi con trẻ biết suy nghĩ, có được những băn khoăn, vướng mắc và chờ đợi câu trả lời của bạn. Đó vừa là niềm đam mê học hỏi, mong muốn khám phá những điều mới lạ ở thế giới xung quanh, vừa là thái độ ngưỡng mộ, tin cậy. Nhiệm vụ của bố mẹ lúc này là cố gắng nuôi dưỡng nó và chắp cánh để nó bay cao và bay xa.
Ti-vi: 🙁
Cùng với việc tiếp thu những kiến thức bổ ích từ ti-vi, trẻ cũng có thể nhiễm phải biết bao điều tiêu cực mà cho dù không muốn, các bậc bố mẹ vẫn phải chấp nhận.
Phần lớn bố mẹ đều phải đi làm, vì vậy khó mà kiểm soát được con trẻ đang làm gì những lúc mình không có ở nhà. Chúng ta đều cho rằng phim hoạt hình và những chương trình kiểu này tương đối vô hại, nhưng liệu thực tế có đúng vậy không? Một số chương trình gọi là “thiếu nhi” nhưng xứng đáng cho bạn ngồi xem từ đầu đến cuối. Thế nên, điều quan trọng mà bạn cần biết là trẻ yêu thích một chương trình nào đó là vì tính chất hài hước, dí dỏm của nó hay xuất phát từ những hành vi bạo lực, hung hăng khác lạ đối với trẻ? Nếu đài truyền hình đã cố giới hạn những chương trình “có nội dung dành cho người lớn” vào đêm khuya thì trẻ còn thức làm gì vào giờ đó, đặc biệt là nếu ngày mai trẻ phải đi học?
Giải pháp nào cho trẻ?
Vậy bạn sẽ làm gì nếu ở trẻ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu “nghiện” hoặc nếu nhận thấy bé con của mình ngày nào cũng nằm cuộn tròn trước màn hình ti-vi? Lạnh lùng, thẳng thừng cấm trẻ không được xem ti-vi nữa sẽ chẳng giải quyết được vấn đề. Trái lại, nó có thể dẫn đến xung đột giữa cha / mẹ và con, thậm chí là thái độ oán giận của trẻ đối với bạn.
Thay vào đó, hãy kiềm chế và cố gắng đạt được sự đồng thuận. Kỷ luật và trách nhiệm phải được bắt đầu từ phía gia đình. Cha mẹ cần đặt ra nguyên tắc – điều gì được làm và điều gì không được làm – để con trẻ tuân theo. Không chỉ thế, bố mẹ có thể chuyển một đề tài trên ti-vi thành chủ đề để cả nhà cùng thảo luận hay kể cho nhau nghe như một chuyện vui. Bằng cách quản lý mềm dẻo, linh hoạt như thế này, chắc chắn rằng bố mẹ sẽ thành công trong việc tạo cho trẻ thói quen xem ti-vi phù hợp,
- Xem ti-vi cũng có quota:
Bạn có thể cho phép bé xem một chương trình yêu thích trên ti-vi nhưng phải giới hạn thời lượng, có thể là một tiếng, cũng có thể chỉ nửa tiếng mà thôi. Ngoài ra, bạn cũng cần để mắt đến trẻ trong lúc trẻ xem ti-vi. Thế thì bạn phải hi sinh một chút rồi, nhưng không sao, bạn vẫn có thể dùng khoảng thời gian rảnh rỗi này để đọc một tờ báo, một cuốn tạp chí hay làm một công việc lặt vặt nào đó. - Tạo thói quen sinh hoạt trong gia đình:
Dù cho bạn có đi làm về hơi trễ thì cũng cố gắng cùng gia đình ra ngoài dạo một lát, có thể là khoảng nửa tiếng sau bữa ăn chiều. Đó là thời điểm thuận lợi để cả nhà cùng nhau đi bộ, nói chuyện và xây dựng một lối sống lành mạnh. Hoặc bạn có thể biến ngày thứ Sáu hàng tuần thành “ngày gia đình đoàn tụ”. Chắc chẳng ai lại đi phản đối chuyện cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức bữa ăn tối, sau đó là cùng nhau xem một bộ phim hay một vở kịch mà tất cả mọi người đều thích.
Tạo nếp sinh hoạt cho gia đình, vừa thắt chặt sợi dây tình cảm, vừa cắt giảm giờ bé chỉ ngồi ì trước màn hình ti-vi, đúng là một công đôi việc. - Cùng nhau lựa chọn chương trình yêu thích:
Hãy trao đổi với bé về những chương trình mà bé yêu thích và cho bé được lựa chọn sẽ xem chương trình nào trong tuần. Bạn hãy cố gắng tìm hiểu tại sao bé lại thích chương trình đó, chẳng hạn như vì bé thích các nhân vật, hoặc là vì những tình tiết hấp dẫn ở tập trước mà bé không thể bỏ qua tập này… Dựa trên những thông tin thu thập được, bạn có thể cùng bé thảo luận về chương trình mà bé yêu thích sau bữa cơm chiều. Nhà mình vui và ấm áp làm sao! - Khuyến khích bé xem thêm những chương trình bổ ích khác:
Bạn cũng có thể giới thiệu cho bé một chương trình truyền hình đặc biệt nào khác hoặc một bộ phim phù hợp với lứa tuổi của bé. Sau khi bé xem xong, hãy khuyến khích bé kể lại cho các thành viên khác trong gia đình nghe hoặc vẽ tranh để dán lên tường phòng ngủ. - Giúp bé phân biệt đâu là phim, đâu là đời
Tập cho trẻ trở thành một khán giả xem ti-vi có ý thức, nghĩa là bạn phải bảo đảm rằng trẻ biết được những gì trên ti-vi không phải lúc nào cũng là sự thật. Điều này đặc biệt liên quan đến những chương trình có sử dụng kỹ xảo đặc biệt, những màn ảo thuật kỳ diệu hay những pha kinh dị rùng rợn. Bạn hãy nói cho trẻ biết về các diễn viên, về những bộ trang phục, kỹ thuật hóa trang và các chuyên gia đã sử dụng máy tính để tạo ra chúng như thế nào. - Cho trẻ những thú vui khác
Bạn hãy lựa chọn từ các sở thích của trẻ (như thám hiểm vũ trụ, thế giới động vật, thế giới nước) rồi sưu tầm các loại văn hóa phẩm có liên quan như sách tô màu, hình dán, trò chơi ô chữ, bộ xếp hình… để trẻ tiếp tục theo đuổi sở thích của mình thay vì cứ ngồi xem chương trình ti-vi. - Càng đông càng vui
Đối với nhiều đứa trẻ, trò chơi sẽ vui hơn nếu có ai đó chơi chung với chúng. Hãy sắp xếp cho một đứa em họ hay một đứa trẻ hàng xóm cùng chơi với bé, tuy nhiên cũng cẩn để mắt đến chúng. Những trò chơi như xếp hình hay lắp ráp sẽ rất vui và bổ ích đối với trẻ. - Chơi nhạc
Bạn hãy xem thử con mình có thích âm nhạc hay không. Hãy tìm mua một chiếc đàn organ rẻ tiền (hoặc đàn đồ chơi) để trẻ làm quen với những nốt nhạc cơ bản đầu tiên. Bạn có thể làm cho trẻ một cái trống từ chiếc hộp thiếc lớn với hai chiếc đũa, hay dùng hai cái nắp nồi vỗ vào nhau hay bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ ra để giúp trẻ “tạo ra âm nhạc”. (Bạn nên tìm thêm vài đứa trẻ nữa để cùng bé chơi trò này và hi vọng rằng hàng xóm không phàn nàn gì cả). - Nguyên tắc “không vừa ăn snack vừa xem ti-vi”
Cho trẻ nằm yên một chỗ xem ti-vi đã là không tốt, nhưng cho trẻ vừa xem ti-vi vừa ăn snack, uống nước ngọt lại càng nguy hiểm hơn. Điều này góp phần làm trẻ tăng cân, tệ hơn nữa là có thể dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ.