Blog

Kinh Nghiệm

Mắt bé thời @

Thời @ thì có gì đặc biệt? Nhắc tới “thời @”, có lẽ vật đầu tiên chúng ta nghĩ đến là cái màn hình vi tính, đấy, trẻ em thời @ ít chơi banh đũa, bắn bi cũng hiếm, chủ yếu là chơi điện tử, xem ti vi… lại thêm lịch học dày đặc từ trong trường đến lớp học thêm, từ bài học trên lớp đến bài tập về nhà: Các bé đeo kính ngày càng nhiều!

Hầu hết các bé phải đeo kính là do bị một trong số các tật khúc xạ: Cận thị, viễn thị hay loạn thị. Hiện nay, tỉ lệ trẻ em mắc các tật khúc xạ ngày càng nhiều, và chiếm số đông lại được phát hiện ở lứa tuổi Mẫu giáo lớn hoặc bắt đầu đi học Lớp 1. Mỗi tật khúc xạ đều có những đặc điểm khác nhau, tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết và tác hại mà các triệu chứng này đem đến cho bé thì lại có rất nhiều điểm chung.

  • Cận thị: Khi bị cận thị, trẻ nhìn gần mới thấy rõ còn nhìn xa thì thấy mờ. Để nhìn một vật ở xa, bé thường phải nheo mắt hoặc muốn nhìn rõ phải đưa vật đó đến gần.
  • Loạn thị: Trẻ bị tật loạn thị khi nhìn vào một chữ thập sẽ không nhìn rõ được đường dọc hay đường ngang, thường hay nhầm lẫn giữa chữ H, M và N hoặc nhầm lẫn giữa số 0 và số 8.
  • Viễn thị: Mắt trẻ nhìn kém kể cả khi nhìn gần hay nhìn xa. Trẻ bị viễn thị mắt lúc nào cũng phải điều tiết nên mau bị mỏi mệt và thường hay mỏi mắt vào buổi chiều hay sau buổi làm việc. Trẻ em bị viễn thị nặng thường hay đi kèm lé trong.

Tác hại

Tật khúc xạ làm cho mắt không nhìn được bình thường, thị lực sẽ giảm ở mức độ khác nhau tùy theo loại, mức độ khúc xạ. Vì vậy, tật khúc xạ cần được phát hiện sớm và điều chỉnh bằng kính để ngăn ngừa sự tiến triển và rối loạn thị giác hai mắt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những trường hợp chỉ bị tật khúc xạ một mắt. Nếu không phát hiện sớm sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị (mắt mờ không thể hồi phục được) và khi đó trẻ sẽ không có thị giác hai mắt (không có khả năng nhìn hình nổi, chiều sâu), sau này sẽ không có khả năng làm một số nghề như lái xe, phi công hoặc một số việc đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ.

Nhìn chung, những tác hại của tật khúc xạ nếu không được đeo kính đúng độ đều đưa đến tình trạng mắt phải điều tiết nhiều, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi mắt, nhức mắt, nhức đầu… có thể ảnh hưởng đến thần kinh.

Dấu hiệu nhận biết

  • Trẻ ngồi quá gần khi xem ti vi, để truyện gần sát mắt khi đọc, lại gần bảng mới thấy chữ.
  • Hay nheo mắt khi nhìn, nhắm một mắt hoặc có tư thế nghiêng đầu, liếc mắt khi xem ti vi hay nhìn vật gì.
  • Kết quả học tập giảm sút, hay chép đề bài sai hay viết chữ sai.
  • Đọc chữ hay bị nhảy hàng, phải dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc.
  • Thường hay dụi mắt dù không buồn ngủ.
  • Hay than mỏi mắt, nhức đầu hay chảy nước mắt, đôi khi trẻ sợ ánh sáng hoặc chói mắt.
  • Trẻ thường không thích các hoạt động liên quan tới thị giác gần như vẽ hình, tô màu, tập đọc… hoặc các hoạt động liên quan tới thị giác xa như chơi ném bóng…
  • Khi trẻ đang xem ti vi, phụ huynh có thể che luân phiên từng mắt trẻ để phát hiện tình trạng trẻ bị yếu một mắt (ví dụ: nếu ta che mắt tốt của trẻ, trẻ sẽ nghiêng đầu tránh hoặc kéo tay phụ huynh ra…).
  • Trẻ có dấu hiệu lé mắt (một mắt có tròng đen lệch ra ngoài hoặc vào trong…)

Phương pháp khám mắt

Vì trẻ em có khả năng điều tiết mạnh nên việc đo khúc xạ sẽ khó khăn hơn: Cần đo mắt cho trẻ ở phòng khám chuyên khoa hoặc ở phòng kính có kỹ thuật viên khúc xạ đã được đào tạo.

Đối với các bé nhỏ (< 5 tuổi), đặc biệt là các bé chưa biết đọc, không thể kiểm tra bằng cách đọc chữ xa như người lớn, các bác sỹ sẽ áp dụng phương pháp thử hình. Bên cạnh đó, các bé cũng sẽ được nhỏ thuốc làm liệt điều tiết để đo khúc xạ khách quan, thuốc sẽ làm giãn đồng tử (con ngươi), giúp bác sỹ soi đáy mắt tìm tổn thương. Sau khi nhỏ thuốc, bé có thể có một số triệu chứng như mờ mắt (do thuốc làm liệt điều tiết làm bé không phân biệt được các chi tiết nhỏ ở thị giác gần, bé vẫn sinh hoạt bình thường nhưng không đọc chữ, viết chữ hay tô màu được), chói mắt khi ra nắng do thuốc làm giãn đồng tử, khiến ánh sáng vào mắt nhiều gây chói, có thể cho bé đeo kính mát khi ra nắng. Những triệu chứng kể trên sẽ hết trong khoảng 1 – 2 tuần sau khi ngưng nhỏ thuốc.

Lưu ý là có khoảng 1 – 2% trẻ bị dị ứng với thuốc sẽ có những triệu chứng như 5 – 10 phút sau khi nhỏ thuốc da bé ửng đỏ, sốt nhẹ. Các triệu chứng này không gây nguy hiểm, sẽ mất đi sau 30 phút. Trong thời gian ấy, phụ huynh chỉ cần cho bé uống nước chanh đường và lau mát bằng khăn ướt.

Thông thường trẻ từ 5 tuổi trở lên sẽ được thử khúc xạ chủ quan (đọc chữ).

Chăm sóc trẻ có tật khúc xạ

  • Cho trẻ đeo kính sớm, đúng và thường xuyên theo chỉ định.
  • Tái khám định kỳ mỗi 6 tháng để theo dõi sự phát triển của khúc xạ.
  • Tránh để trẻ làm việc căng thẳng kéo dài ở thị giác gần như đọc sách, học vi tính, chơi game, đọc truyện… ngồi không đúng tư thế hoặc không đủ ánh sáng.
  • Gọng kính: Cần được cân chỉnh sao cho phù hợp với gương mặt và sóng mũi. Nên đeo kính có gọng nhựa dành riêng cho trẻ em.
  • Tròng kính: Nên chọn loại tròng kính trắng bằng nhựa để không gây nguy hiểm cho trẻ và nên thay thường xuyên (5 – 6 tháng).