Có phải bạn có cảm giác rằng bé con nhà mình chẳng bao giờ chịu ngồi yên? Hãy tham khảo những cách thú vị dưới đây để hướng nguồn “năng lượng thừa” đó vào những việc bổ ích.
Những đứa trẻ “chạy bằng pin”
Mỗi lần nhìn con, chị Mai nhà ở Q.8, TP. HCM lại nhớ đến đoạn phim quảng cáo pin Energizer trên ti-vi. “Con bé cứ như con thỏ đồ chơi bé xíu chạy bằng pin, lăng xăng chạy đi chạy lại suốt ngày”, chị Mai nói. “Mỗi ngày chỉ việc đuổi theo con bé cũng đủ mệt bở hơi tai.”
Những đứa trẻ như thế này bạn vẫn thường gặp mà phải không? Bạn sẽ vui và an tâm hơn khi biết rằng chuyện con bạn “thừa năng lượng” là hết sức bình thường. Các bác sĩ Nhi khoa cho biết, đến 4 tuổi, trẻ đã có thể kiểm soát được mọi hoạt động của cơ thể mình, nhờ đó mà bé cảm thấy thoải mái và tự do hơn.
Mà đúng là bé Mi con chị nghịch thật. Cuối tuần nghỉ ở nhà, bé bày ra đủ thứ trò để chơi, hết xây nhà, đua xe lại chuyển sang leo trèo, rồi còn giả vờ như thể đang đi thăng bằng trên dây. Khi thì chạy, khi thì nhảy lò cò khắp nhà. Lúc này, bé cũng không cần chị phải đẩy xích đu nữa vì tự bé đã có thể đung đưa được rồi. Các chuyên gia về tâm lý trẻ em cho rằng, những thành tích này vừa làm cho trẻ tự tin hơn, vừa khuyến khích trẻ khám phá thế giới bên ngoài, đồng thời đó cũng là cơ hội để trẻ thể hiện khả năng của mình.
Quản lý hoạt động của trẻ
Khi trẻ quá hiếu động, bạn có thể sẽ kiệt sức vì cứ phải loay hoay chạy đi chạy lại trông chừng trẻ. Tuy nhiên, bắt trẻ vào khuôn khổ cũng không phải là cách. Cái khó ở đây là làm sao để bé vẫn được chơi, vẫn được vận động để “xả” bớt năng lượng thừa mà vẫn đảm bảo an toàn và nằm trong tầm kiểm soát của bạn:
- Cho bé tham gia tập luyện một môn thể thao nào đó: Trẻ khoảng 4-5 tuổi có thể tham gia những môn như đá banh, thể dục nhịp điệu, học nhảy, võ karate hoặc bơi lội. Những môn thể thao này giúp cải thiện khả năng phối hợp và tập trung của trẻ. Hãy để bé tự do lựa chọn môn thể thao mà mình yêu thích. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý xem môn thể thao đó có phù hợp với lứa tuổi và điều kiện thể trạng của bé hay không. Các bác sĩ Nhi khoa khuyên rằng, giờ học dành cho các bé ở lứa tuổi này nên có tối thiểu 30 phút chơi tự do và học không quá 20 phút.
- Cho bé khám phá những cái mới: Năm ngoái, lúc mẹ mua về chiếc xe đạp ba bánh, bé đã vui đến nhảy cẫng lên. Suốt ngày, bé cứ quấn quýt bên “người bạn nhỏ” của mình. Đạp xe chán, bé lại lui cui… sửa xe. Nhưng giờ thì chiếc xe ấy không còn thích hợp với bé nữa, đã đến lúc mẹ nghĩ đến việc mua cho bé một chiếc xe đạp 2 bánh có gắn bánh phụ. Nếu thấy bé loay hoay với từng bộ phận trên thân xe, chớ vội ngăn cấm hay la rầy bé chỉ vì sợ hư xe. Thật ra, với hoạt động này, bé đang tìm hiểu và khám phá về thế giới xung quanh đấy.
- Hãy vui chơi cùng bé: Thật tuyệt khi mỗi cuối tuần, cả nhà cùng nhau ra công viên chơi. Bố có thể hướng dẫn cho bé cách thả diều. Những bước chân chạy theo, đưa cánh diều tung bay trong gió vừa giúp bé loại bớt năng lượng thừa vừa là cơ hội để tiếng cười hạnh phúc được vang xa. Những hôm trời mưa gió không thể đi ra ngoài, mẹ hãy cùng bé chơi trò cô giáo, bán hàng hay chăm sóc cho búp bê. Thông qua các trò chơi này, mẹ có thể dạy cho bé biết yêu thương, chia sẻ và kính trọng những người xung quanh.
- Hãy tắt ti-vi: Với nhiều người, bật ti-vi lên cũng là cách giúp đứa con hiếu động của mình chịu ngồi yên một chỗ. Thế nhưng, bạn biết chăng nó chỉ mang tính tạm thời. Thật ra, những bộ phim hoạt hình phiêu lưu mạo hiểm có thể còn kích thích trẻ nhiều hơn, khiến trẻ khó mà ngồi yên một chỗ. Các chuyên gia về Nhi khoa khuyến cáo, bạn chỉ nên cho trẻ ngồi trước màn hình tối đa 2 tiếng mỗi ngày, trong đó bao gồm cả xem ti-vi, chơi điện tử và sử dụng máy vi tính. Đặc biệt, bạn nên tránh cả ba thứ này trước giờ bé đi ngủ.
- Theo dõi bữa ăn của trẻ: Bản thân lượng đường nạp vào không làm trẻ trở nên quá hiếu động. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy kẹo ngọt và các thức uống có đường nếu nạp vào lúc dạ dày rỗng sẽ khiến trẻ có cảm giác nôn nao, bồn chồn. Ngoài ra, cũng cần loại bỏ chất caffeine, một loại chất kích thích có trong nước ngọt và những thức uống có gas khác, và chocolate ra khỏi bữa ăn của trẻ. Con bạn đã có đủ năng lượng tự nhiên rồi, không cần phải nhận thêm nguồn bổ sung từ các chất hóa học nữa.
- Khen ngợi bé khi bé tỏ ra ngoan ngoãn hoặc làm điều tốt: Các bác sĩ Nhi cho rằng, việc đặt ra những giới hạn là điều đặc biệt quan trọng đối với trẻ ở lứa tuổi lên 4, lên 5. Nếu như thường ngày, hễ vào siêu thị là bé con nhà bạn lại chạy nhảy lung tung khắp nơi, cũng khó mà bắt trẻ im lặng đi kè kè bên bạn; vì vậy, bạn có thể thỏa thuận với bé kiểu như: nếu con giúp ba mẹ tìm lấy những món hàng trong danh sách cần mua thì sau khi đi siêu thị, ba mẹ sẽ đưa con đi chơi. Tuy nhiên, ba mẹ cũng cần lưu ý là phải giữ lời hứa với trẻ.
Phá tan cảm giác buồn chán ở trẻ
Trẻ thường tìm thứ gì đó để phá khi quá rảnh rỗi và không có việc để làm. Hãy làm cho trẻ bận rộn bằng những ý tưởng đã được các bà mẹ kiểm chứng.
- Khơi dậy năng khiếu hội họa tiềm ẩn bên trong của trẻ: Chị Hiền nhà ở Gò Vấp (TP. HCM) và bé Bo 5 tuổi con chị thường xếp những con thú bằng giấy và làm thành một bộ sưu tập sau mỗi lần đi chơi sở thú về. Chị Hiền cho biết: “Con bé thích ngắm nhìn mấy con thú ấy lắm. Về nhà lại bắt đầu xếp xếp vẽ vẽ lại hình của chúng. Cứ thế mà cả ngày dường như lúc nào nó cũng bận rộn.”
- Thường xuyên cùng bé chơi trò đóng kịch: Nhà anh Tiến (Q. Tân Bình, TP. HCM) có một cái thùng đựng đầy những món đồ hóa trang như nón lính cứu hỏa, băng bịt mắt của cướp biển, áo giáp bằng nhựa… Đây là “tài sản” của cu Bin (4 tuổi), con anh. Anh tâm sự: “Thằng bé hay đóng kịch một mình, lúc thì đóng vai này, lúc thì đóng vai kia, có khi nó đóng luôn hai vai cùng một lúc.”
- Lúc nào cũng là đồ chơi “mới”: Chị Mai thường giấu bớt một số đồ chơi của bé Mi vào tủ, và lấy ra những món mới cho bé chơi bất cứ khi nào thấy con bé có vẻ chán những món đồ chơi cũ. Chị nói: “Mẹo vặt này làm cho những món đồ chơi cũ trở thành mới.”