Bảo Hân mới 3 tuổi mà nói năng rất lưu loát, bé có trí nhớ tốt, được ba mẹ đọc sách, kể chuyện và mua phim hoạt hình về cho bé xem, lại hay được mẹ cho đi chơi đây đó nên cuối tuần bé có rất nhiều chuyện kể cho bà nghe. Tuần nào bé cũng kể “hôm qua mẹ cho con đi Thảo Cầm Viên, con thấy voi này, hổ này, dê này… con còn được đi thú nhún, thích lắm”. Bà hỏi còn đi những đâu nữa, bé kể nào là đi rạp coi phim, nào là đi siêu thị mua đồ, đi máy bay ra Hà Nội… Bà kể lại cho ba mẹ nghe, ba mẹ ngạc nhiên vì đã cho bé đi máy bay bao giờ đâu, rạp coi phim bé cũng chưa được đến bao giờ. Bà bảo sao con lại nói dối, bé ngạc nhiên bảo con đâu có nói dối, con được đi thật mà!
Trí tưởng tượng của con
Thật ra Bảo Hân không hề có chủ đích nói dối bà. Ở độ tuổi này, các bé thường có trí tưởng tượng rất phong phú và đặc biệt thích phóng đại mọi chuyện: những chuyến đi chơi cuối tuần hoàn toàn có thể biến thành một cuộc phiêu lưu kỳ thú, trong đó bé sẽ cưỡi sư tử băng qua rừng chứ không phải ngồi trên một con thú nhún với nhạc nền “ba thương con…”. Mỗi khi kể chuyện như vậy, bé hoàn toàn không có ý lừa dối ai hết, chỉ là bé vẫn đang học cách phân biệt giữa thực tế và những câu chuyện tưởng tượng diễn ra trong đầu bé mà thôi. Và khi một đứa trẻ 3 hay 4 tuổi bịa ra câu chuyện “đi máy bay” thì thật ra là bé đang mơ ước chứ không phải lừa dối người nghe đâu. Thế nên, thay vì quy kết và quở trách bé về tội nói dối, ba mẹ có thể hỏi chuyện bé “Thế à, đi máy bay chắc là thích lắm, sao con lại thích đi máy bay thế?” Khi bé kể ra những lí do của sự mơ ước, ba mẹ cần cho bé thấy được là mình đang thật sự lắng nghe. Hầu hết các bé sẽ hài lòng nếu sau đó nhận được phản ứng đại loại như “Nghe hay nhỉ! Mẹ con mình sẽ cùng ghi vào giấy và xếp thành ngôi sao, bỏ vào lọ nhé!” Ba mẹ đừng hứa bâng quơ “Ừ, hè mẹ sẽ cho con đi máy bay” rồi nuốt lời nhé, lúc đấy thì ba mẹ mới là người không nói sự thật đấy!
Con đang bối rối
Yến Nhi học lớp Mầm. Một ngày, khi đến đón Nhi, mẹ thấy bé ngồi một góc lớp, không chơi với các bạn. Mẹ hỏi thì bé trả lời là “con buồn vì cô giáo không thương con” trong khi mẹ biết chắc chắn là cô giáo của bé rất hiền và luôn chăm sóc tất cả các bé. Mẹ đừng nghĩ là Yến Nhi đang lừa dối mẹ nhé, thật ra qua câu chuyện của mình, bé đang cố gắng nói với mẹ những suy nghĩ trong đầu bé đấy. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để mẹ tìm ra nguyên nhân và hiểu được những bối rối hoặc “khó khăn” mà bé đang gặp phải. Trước tiên, mẹ có thể tỏ thái độ tò mò, tuyệt đối tránh những nhận xét hay kết luận về các sự việc: Nếu nhận được phản ứng tiêu cực từ ba mẹ, bé có thể sẽ mất hứng và không còn ý định chia sẻ với ba mẹ nữa. Bé sẽ muốn được nói tiếp khi nhận được những câu chia sẻ “Con buồn lắm à? Thế cô giáo làm gì mà con nghĩ cô không thương con?” Như thế này, ba mẹ sẽ tìm hiểu được định nghĩa của bé về sự “không thương” (đó có thể chỉ là một cử chỉ rất nhỏ, hay một lời nói vô tình). Và khi bé tâm sự xong hết rồi, ba mẹ có thể nói với bé nhiều hơn về những suy nghĩ của bé, rằng là suy nghĩ nào đúng, định nghĩa nào chưa thật chính xác…
Con sợ bị phạt
Việt 6 tuổi, mới đi học lớp Một được hơn 1 tháng trời mà nay thì mất nón, mai thì mất viết, có bữa mất cả sách giáo khoa luôn. Mẹ la rầy sao đi học mà không chịu giữ gìn đồ đạc, sách vở thì bé bảo “con ra sân chơi, ở trong lớp có bạn nào đó lấy của con”. Bữa đi họp phụ huynh đầu năm mẹ Việt phản ảnh với cô giáo chủ nhiệm, cô đoán chắc Việt hay để quên trong ngăn bàn, có thể trực nhật lớp buổi chiều đem xuống văn phòng. Họp xong mẹ chạy xuống hỏi thầy giám thị thì tìm được gần hết những đồ bị mất. Về nhà mẹ hỏi sao con để quên mà lại đổ cho bạn lấy, Việt lí nhí nói tại sợ bị đòn.
Gặp những trường hợp như thế này, ba mẹ đừng nên nóng nảy, tiếp tục đánh đòn bé vì tội nói dối. Trước tiên, nên xem lại và thay đổi hình phạt mỗi lần bé phạm lỗi, đừng để bé quá sợ hãi mỗi lần bị phạt. Đồng thời, ba mẹ cũng cần phân tích cho bé thấy là mỗi lần bé xử sự như vậy là bé đã phạm hai lỗi: lỗi làm mất đồ là một, nói dối là lỗi thứ hai. Mà lỗi nói dối thì nặng hơn lỗi đầu. Vì thế lần sau, nếu đã lỡ phạm lỗi rồi thì nên nói thật với ba mẹ, bé sẽ chỉ bị nhắc nhở hoặc phạt nhẹ, chứ nếu thêm lỗi nói dối nữa thì hình phạt chắc chắn sẽ nặng hơn.
Và vì người lớn cũng nói dối
Ngoài những câu chuyện tưởng tượng, có những lời nói dối của trẻ em xuất phát từ sự “học hỏi” người lớn, từ những lời nói dối vô hại người lớn vẫn sử dụng hàng ngày. Ví dụ nhé, một câu giao tiếp rất bình thường của người lớn “Xin lỗi, mình đến trễ. Đường kẹt xe quá!” sẽ có một phiên bản trẻ em “Đó không phải lỗi của con, con chó đã ăn mất bài tập về nhà của con mất rồi!” Thử nghĩ lại xem có bao giờ bạn từ chối một lời mời nào đó trước mặt con, lấy lí do là bạn đang rất bận trong khi thật sự hai mẹ con bạn chỉ ở nhà thôi chứ cũng không có việc gì gấp, hay có lần nào bạn nhờ bé con nhấc điện thoại lên và nói là bạn đã đi vắng trong khi thật sự bạn đang ngồi xem ti vi trong phòng… Và bạn thắc mắc không biết bé con lây “bệnh” nói dối ở đâu!
Để bé nói sự thật
Làm sao để khuyến khích bé nói sự thật? Rất đơn giản, hãy luôn đề cao, trân trọng những lời nói thật, luôn làm gương cho bé trong việc nói thật, và khen thưởng cho sự thật thà. Còn một điều quan trọng nữa, ba mẹ có thể bớt khắt khe, cảm thông hơn một chút cho những lỗi lầm nhỏ của bé, hãy cho bé biết rằng bạn muốn bé luôn cố gắng lựa chọn và làm những việc đúng, và rằng không có ai là hoàn thiện nên mỗi khi làm điều gì lầm lỗi, bé hoàn toàn có thể đến và nói với bạn, tất cả những gì bạn muốn là bé sẽ làm tốt hơn trong tương lai – đừng nên biện minh hay giấu diếm để mang thêm tội nói dối.