Dị ứng thực phẩm ở trẻ có phổ biến không?
Dị ứng thực phẩm ở trẻ thực sự không phổ biến như mọi người nghĩ, và điều may mắn là các trẻ nhỏ bị dị ứng thực phẩm phần lớn đến 3 tuổi sẽ không bị dị ứng nữa do hệ miễn dịch đã phát triển vững vàng hơn.
Các triệu chứng nào xuất hiện khi trẻ bị dị ứng thực phẩm?
Trẻ bị dị ứng thực phẩm có các triệu chứng như hắt hơi, nhảy mũi, da nổi ban ngứa, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, sưng quanh miệng và họng, khó thở… Những triệu chứng này thường xuất hiện khá sớm sau khi trẻ ăn phải thực phẩm gây dị ứng (vài phút hoặc vài giờ). Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào lượng thực phẩm ăn vào và mức độ phản ứng của cơ thể trẻ. Phản ứng nặng nề nhất là sốc phản vệ, trẻ bị khó thở, sưng miệng và họng, tụt huyết áp, rơi vào sốc đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, các triệu chứng ở mũi như sung huyết mũi, chảy mũi nước thường không do dị ứng thực phẩm gây ra.
Dị ứng thực phẩm có khác với bất dung nạp thực phẩm (ăn không tiêu) không?
Bất dung nạp thực phẩm cũng làm trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy, nổi ban ngứa… Nó cũng đưa đến những triệu chứng tương tự như dị ứng thực phẩm, nhưng phản ứng bất dung nạp không liên quan gì đến hệ miễn dịch của trẻ.
Thí dụ: đối với trường hợp trẻ bất dung nạp đường lactose có trong sữa bò do thiếu men lactase trong đường ruột, sau khi uống sữa bò có đường lactose, trẻ có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy… Trên thực tế, rất khó phân biệt giữa bất dung nạp và dị ứng thực phẩm; vì vậy, phải theo dõi để loại trừ nguyên nhân.
Những loại thực phẩm nào thường gây dị ứng cho trẻ?
Những loại thực phẩm thường gây dị ứng nhất cho trẻ là sữa bò, trứng (lòng trắng trứng), cá, tôm, sò, đậu nành, đậu phộng.
Sữa bò là nguyên nhân gây dị ứng phổ biến cho trẻ (ngoài việc sữa bò cũng là nguyên nhân phổ biến gây bất dung nạp thực phẩm). Dị ứng sữa bò là dị ứng với lượng đạm có trong sữa, còn bất dung nạp là không dung nạp được đường lactose trong sữa. Trẻ em nếu dị ứng với đạm sữa bò nên được thay đổi bằng công thức có đạm thủy phân (đạm đã được phân giải), chẳng hạn như công thức Nutramigen, Alimentum… Công thức sữa đậu nành hay sữa dê cũng có thể được thay thế trong trường hợp này. Tuy nhiên, chỉ thay thế đối với trẻ lớn hơn, bởi những trẻ dị ứng với đạm sữa bò thì cũng dị ứng với đạm sữa đậu nành và sữa dê. Nếu trẻ dị ứng với sữa bò, những thực phẩm khác làm từ sữa bò cũng nên tránh (như phô mai, kem, yogurt hoặc những món ăn chế biến khác có sữa). Trẻ lớn nếu dị ứng không thể uống sữa hay ăn thực phẩm có sữa, chắc chắn phải có nguồn bổ sung can-xi trong khẩu phần để thay thế lượng can-xi có trong sữa.
Trứng, đặc biệt lòng trắng trứng giàu đạm, cũng là một nguyên nhân phổ biến gây dị ứng thực phẩm ở trẻ. Để ngăn ngừa dị ứng với trứng, tránh không sử dụng lòng trắng trứng cho trẻ dưới 1 tuổi. Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế những món ăn chế biến có trứng như bánh mì Pháp, bánh cookies, pudding…
Hải sản gồm cá, tôm, sò… cũng thường gây dị ứng cho trẻ. Nên tránh sử dụng cho đến khi trẻ được 2 tuổi.
Đậu nành: dị ứng đậu nành cũng thường gặp ở trẻ em sử dụng công thức có đậu nành như sữa đậu nành, bột đậu nành. Những món ăn khác có chứa đạm đậu nành cũng có thể gây dị ứng cho trẻ như đậu hủ, sauce đậu nành, món ăn chế biến với dầu đậu nành…
Đậu phộng: trẻ em dị ứng với đậu phộng có thể rất nhạy cảm với thực phẩm có chứa dù rất ít đậu phộng. Trường hợp này, nên tránh các thức ăn có đậu phộng như kẹo, bơ đậu phộng, các loại đậu hỗn hợp. Tuy nhiên, trẻ có thể ăn các loại đậu khác vì chúng có nguồn gốc thực vật khác nhau.
Làm sao nhận biết được thực phẩm nào gây dị ứng cho trẻ?
Khi cố gắng xác định trẻ bị dị ứng với tác nhân nào, bạn nên lưu ý các điểm sau đây: Nếu thấy trẻ có những triệu chứng như mô tả ở trên sau khi ăn một số loại thực phẩm nào đó, bạn nên tránh các loại thực phẩm đó cho trẻ. Thông thường, cha mẹ chỉ nghi ngờ tác nhân gây dị ứng cho trẻ là thức ăn mới, chứ không nghĩ rằng trẻ bị dị ứng với thức ăn đã được dùng trước đây vì khi đó không có vấn đề gì xảy ra. Thế nhưng, bạn nên nhớ rằng hệ miễn dịch cơ thể phải mất một thời gian, có khi là nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí đến cả năm, mới tạo ra phản ứng chống lại chất gây dị ứng. Vì vậy, vẫn có trường hợp trẻ bị dị ứng đối với loại thực phẩm đã dùng nhiều lần trước đây, tưởng chừng như đã rất quen thuộc với trẻ. Trong trường hợp khó xác định tác nhân gây dị ứng, bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn thêm.
Biện pháp phòng ngừa
Ở trẻ nhỏ, nếu trẻ đang bú mẹ, tránh bổ sung sữa công thức hoặc những thức ăn đặc khác ít nhất trong 6 tháng đầu. Nếu trẻ thiếu sữa mẹ, buộc phải bổ sung sữa công thức thì từ 6 tháng tuổi trở đi mới bắt đầu cho trẻ làm quen với thức ăn đặc. Trong thời kì cho con bú, mẹ nên tránh ăn những món có thể gây dị ứng cho mình. Khi tập cho trẻ ăn rau, trước tiên nên tránh những loại thực phẩm trong họ đậu, kế đến là nước trái cây có nhiều vị chua. Cho trẻ làm quen từ từ với thức ăn mới (khoảng 4-5 ngày). Bằng cách này, nếu trẻ dị ứng với thực phẩm nào, bạn sẽ nhận biết để tránh về sau.
Một khi đã xác định được đâu là tác nhân gây dị ứng cho con mình, điều quan trọng là bạn nên đọc nhãn bao bì của thực phẩm trước khi mua, bởi vì thực phẩm gây dị ứng cho trẻ có thể là một thành phần có trong công thức sản phẩm.
Đối với trẻ đã có triệu chứng dị ứng nặng nề, nên đưa đến bác sĩ để được kiểm tra đánh giá.
Xử trí thế nào nếu trẻ rơi vào dị ứng?
Việc đầu tiên là bạn ngưng ngay thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng cho trẻ. Kế đến, nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng nhẹ như hắt hơi, nhảy mũi, nổi ban…, bạn có thể sử dụng một loại kháng histamine cho trẻ, chẳng hạn như si-rô Theralene. Nhớ đọc kỹ toa thuốc trước khi cho trẻ uống: liều lượng đề nghị, chỉ định, phòng ngừa khi sử dụng. Thuốc sử dụng xong phải được cất ở nơi nào đó mà trẻ không lấy được. Trường hợp trẻ có dấu hiệu dị ứng nặng hơn, hoặc nếu bạn thấy có vấn đề gì khác không yên tâm, bạn có thể đưa trẻ đến bác sĩ. Cũng nên nhớ rằng thuốc chỉ có thể trị triệu chứng, chứ không trị được dị ứng thực phẩm đang tiềm ẩn. Vì vậy, phòng ngừa để tránh cho trẻ không bị rơi vào dị ứng vẫn tốt hơn, đặc biệt nếu gia đình bạn đã có người bị dị ứng.