Nhiễm giun sán là một bệnh thường gặp ở trẻ, phổ biến đến mức nếu thấy bé lười ăn, đau bụng thì mẹ lập tức “quy tội” cho lũ giun trước khi xem xét các nguyên nhân khác. Dù giun sán không thật đáng sợ, gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu trẻ bị nhiễm giun lâu ngày cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nguyên nhân
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người nhiễm giun sán cao ở châu Á, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân của tình trạng giun sán ở trẻ:
- Môi trường: Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của nước ta khá thích hợp cho các loại kí sinh trùng phát triển.
- Cách sinh hoạt:
- Sở thích ăn uống: món tái, rau sống… thường có nguy cơ chứa giun sán cao.
- Trẻ hay hiếu động, thích tiếp xúc với môi tường đất cát rồi lại “tiện tay” bốc đồ ăn, thức uống ngay mà quên vệ sinh sạch sẽ.
- Đồ chơi, dụng cụ chế biến, đồ đựng thức ăn cho trẻ không đảm bảo vệ sinh.
- Thức ăn, trái cây trẻ ăn không được rửa sạch, còn chứa kí sinh trùng.
Dấu hiệu nhận biết
Trẻ bị nhiễm giun thường có những biểu hiện sau:
- Xanh xao, ốm yếu, gầy còm, chậm lớn, dễ quấy khóc.
- Bụng to bè, thường bị đau bụng ở vùng xung quanh rốn hoặc ngứa ở hậu môn, hay đưa tay gãi, đặc biệt vào buổi tối khi đi ngủ.
- Một số trẻ có biểu hiện kén ăn hay buồn nôn, có khi nôn cả giun.
- Trong trường hợp nặng, nhiều trẻ còn bị sốt phát ban, rối loạn tiêu hóa.
Phòng ngừa
- Hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ.
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn.
- Thường xuyên cắt móng tay, chân, cho trẻ đi dép.
- Không để trẻ lăn lê, bò trườn dưới đất. Sau khi trẻ chơi xong cần vệ sinh cho trẻ thật sạch sẽ.
- Quần áo của trẻ bị nhiễm giun nên phơi ở những nơi nhiều nắng nhằm diệt hoàn toàn trứng giun.
- Thường xuyên cho trẻ uống thuốc sổ giun theo định kì 6 tháng/1 lần. Nếu các bà mẹ không an tâm có thể đưa trẻ đến bệnh viện để được tư vấn thuốc cũng như những điều cần lưu ý xung quanh việc sổ giun của trẻ.
- Riêng những trẻ đã được tẩy giun mà vẫn còn xanh xao thì nên đưa bé đến bệnh viện để khám vì có tình trạng trẻ bị giun sán chui vào phổi làm cho bé bị ho kéo dài, gầy gò, mệt mỏi… mà việc chẩn đoán bằng X-quang có thể nhầm lẫn với viêm phổi.
- Quá trình điều trị giun sán cho bé nếu được sự phối hợp của cả nhà sẽ đem lại kết quả nhanh chóng. Vì vậy, nên tiến hành đồng thời việc sổ giun sán cho bé và cho cả nhà.
Trẻ bị nhiễm giun thường bị suy dinh dưỡng vì dù có ăn thức ăn bổ, nhiều dưỡng chất cũng đều bị giun “giành” hết, làm cơ thể không hấp thu được. Nếu tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài, bé sẽ thiếu máu, trở nên kém năng động, yếu ớt, biếng ăn. Do đó nếu phát hiện sớm bé bị giun sán, bạn sẽ giúp cho bé yêu của mình tránh được những tác hại lâu dài về sức khỏe. Nếu không an tâm cũng như chưa “thành thục” về phương pháp sổ giun, mẹ có thể đưa bé đến cơ sở y tế để được tư vấn.
Tẩy giun cho trẻ – xưa và nay
Sổ giun là phương pháp các bà mẹ thường dùng để tiêu diệt những tên-lính-du-kích trong bụng bé. Cùng một mục đích nhưng mỗi thời sẽ có cách thức khác nhau. Ngày xưa, các bà mẹ thường tẩy giun cho con bằng phương pháp “dân dã” – dùng các loại hạt: hạt lựu, hạt cau, trái keo, hạt bí ngô hoặc dương sỉ đực… Ví dụ như cách ăn đu đủ vào sáng sớm, khi chưa ăn gì, sau đó nhịn ăn, có khi phải đợi cả buổi, lúc này, cơ thể sẽ có cảm giác châm chích ở bụng mà dân gian thường hay giải thích là giun bị “say”, cắn vào vùng ổ bụng, làm đau bụng và giun sẽ bị thải ra ngoài qua đường bài tiết. Hoặc cũng có người dùng trái keo để tẩy giun, có thể ăn bất cứ lúc nào với số lượng không giới hạn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế thì còn một phương pháp an toàn hơn để tẩy giun tại nhà cho trẻ – đó là dùng thuốc sổ giun, các loại thuốc sổ giun hiện đại thường được bào chế dưới dạng viên nén hay dung dịch tùy nhu cầu sử dụng, loại dùng cho trẻ em còn được thêm hương vị thơm, ngọt, rất tiện lợi. Tuy thế cũng có một vài thông tin khác mà phụ huynh cần lưu ý khi dùng thuốc sổ giun cho trẻ:
- Chỉ nên sổ giun khi bé hơn 2 tuổi.
- Nên sổ giun định kì 6 tháng/lần.
- Theo một số quan niệm thì vẫn nên thực hiện vào lúc sáng sớm, bụng đói. Tuy nhiên hiện nay có một số loại thuốc sổ giun không quá khắt khe về việc này: có thể uống bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tốt nhất, ba mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng cho con.
- Đa số các loại thuốc thường không có tác dụng trên ấu trùng nên phụ huynh được khuyên nên lặp lại việc uống thuốc một lần nữa sau 2 – 3 tuần.
- Ở hầu hết các trường mầm non hiện nay đều có chương trình sổ giun định kỳ, trước khi sổ giun giáo viên sẽ xác nhận với phụ huynh việc bé đã được uống thuốc sổ giun trong thời gian gần đó hay chưa.